Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ nhỏ mà không thực phẩm nào có thể sánh bằng. Tuy nhiên chỉ một vài suy nghĩ và sai lầm nhỏ cũng đã là nguyên nhân khiến mẹ ít sữa cho con bú.
Dưới đây là những nguyên nhân khiến mẹ ít sữa cho con bú, mẹ nên tìm hiểu để giúp cho bé yêu nhà mình không bỏ lỡ nguồn dinh dưỡng tốt nhất mà tạo hóa đã ban tặng cho mỗi người mẹ.
1. Người mẹ có dinh dưỡng kém
Không chỉ riêng đối với bà bầu mà sau khi sinh chế độ dinh dưỡng của người mẹ vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng và có ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển của bé.
Do vậy, cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi bé bị chậm cân nếu như người mẹ không cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng vào cơ thể, khiến cho lượng sữa và các chất dinh dưỡng có trong sữa ít hơn so với những bà mẹ có đầy đủ chất dinh dưỡng.
2. Cho trẻ uống sữa ngoài sớm
Hầu hết các bà mẹ thường nghĩ việc trẻ uống sữa bình hoặc sữa ngũ cốc sẽ ngủ lâu hơn sau bữa ăn sẽ là lý do nếu trẻ bú sữa mẹ không thôi là chưa đủ, cần phải tiếp thêm sữa bên ngoài. Thế nhưng, trên thực tế những loại sữa này có thời gian tiêu lâu hơn sữa mẹ. Cũng chính vì điều này khiến các bé ít bú mẹ hơn và điều đó là nguyên nhân khiến lượng sữa mẹ giảm đi.
3. Không cho trẻ bú đủ cữ
Thông thường, mẹ nên cho trẻ bú ít nhất từ 5 – 10 phút, nếu bé chỉ bú được vài giây mà đã ngủ thì mẹ nên đánh thức bé dậy để tránh tình trạng bé bú không đủ, khi thức dậy có thể bé khóc vì đói và khiến cho mẹ hiểu lầm là mình không đủ sữa rồi cho bé bú bình sẽ không hề tốt cho sức khỏe và sự phát triển của bé.
4. Trẻ ngậm vú mẹ không đúng cách
Nhiều bà mẹ thường cho rằng, trẻ ngậm núm vú rồi mà vẫn không bú được sữa cũng như không kích thích được phản xạ xuống sữa khiến các bé bị đói là do mình không có đủ sữa cho bé bú và chuyển qua việc cho bé bú bình.
Đây là một suy nghĩ sai lầm vì việc này chỉ là do mẹ không cho bé bú đúng cách nên mới có tình trạng như vậy. Để khắc phục điều đó, mẹ hãy cho bé ngậm sâu cả quầng vú để bé có thể tiếp nhận nguồn sữa mẹ nhiều hơn và tránh khỏi tình trạng tắc tia sữa khiến cho mẹ trở nên ít sữa hơn.
5. Vệ sinh vú không đúng cách
Vệ sinh vú không đúng cách cũng là nguyên nhân khiến cho vú của người mẹ tiết ra ít sữa hơn. Do vậy, để đảm bảo cung cấp đủ lượng sữa cần thiết cho bé yêu nhà bạn thì ngay từ trong giai đoạn thai kỳ, bạn cần phải vệ sinh núm vú mỗi lần tắm để đảm bảo núm vú luôn trong tư thế sẵn sàng tiết sữa.
Bạn có thể dùng khăn ấm xoa bóp đầu vú để sữa tan ra khi thấy hiện tượng cương, ứ sữa và dùng lược chải đầu chải bầu vú theo hướng từ trên xuống để giúp cho tuyến sữa được thông.
6. Người mẹ có tâm trạng không tốt
Tâm trạng không tốt cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc mẹ ít sữa đi. Bởi khi người mẹ lo lắng thì có thể sẽ kéo theo phản xạ tiết sữa không hoạt động, mặc dù hầu hết chúng đều được tích tụ trong bầu vú nhưng lại không thể chảy ra được khiến bé không thể tiếp nhận được nguồn sữa mẹ.
Chính vì vậy, thay vì những lo lắng, căng thẳng không đáng có thì mẹ hãy dành thời gian nghỉ ngơi và luôn giữ tâm trạng được thoải mái, có thể uống ly nước ấm khi cho con bú để giúp mẹ cảm thấy dễ chịu hơn cũng như giúp bé tiếp nhận nguồn sữa tốt hơn.
7. Không cho trẻ bú đủ thường xuyên
Việc không cho trẻ bú đủ thường xuyên là một trong những nguyên nhân mà nhiều bà mẹ hay thường mắc phải với nhiều suy nghĩ và lý do khác nhau như trẻ không khóc có nghĩa là bé không cần bú, không cho trẻ bú đêm có nghĩa là đang để dành sữa hay có thể cho bé ăn thức ăn lỏng khi mẹ quá bận công việc… Tuy nhiên đây hoàn toàn là suy nghĩ sai lầm và tất cả các lý do đó đều là nguyên nhân khiến mẹ ít sữa.
Do vậy, ngay từ lúc này, mẹ hãy từ bỏ suy nghĩ đó và tranh thủ thời gian để cho bé bú sữa , ngay cả khi mẹ ít sữa. Bởi việc cho trẻ bú thường xuyên trong vài ngày sẽ khiến cho lượng sữa của mẹ tăng dần trở lại.
Đồng thời, mẹ cũng nên lưu ý một điều nữa là tránh cho trẻ ăn dặm sớm cũng như uống sữa ngoài nếu bé nhà bạn chưa đủ 4 tháng tuổi, vì điều này sẽ chỉ càng khiến cho bé ốm và chậm lớn hơn.
Thu Hương (t/h)