Nguyên liệu làm bánh trung thu là thứ cần phải chuẩn bị vô cùng kỹ càn, đầy đủ để có được những chiếc bánh thơm ngon. Các loại bánh khác nhau như bánh dẻo, bánh nướng, sử dụng nguyên liệu không hề giống nhau. Vì vậy, chị em hãy đọc bài viết này để nắm được tổng quát nhất cách chọn nguyên liệu cho từng loại bánh trung thu nhé.
1. Nguyên liệu làm bánh trung cho phần vỏ
Để đánh giá một chiếc bánh trung thu, người ta không chỉ xét hương vị của chiếc bánh mà còn xem xét đến cả yếu tố hình thức nữa. Một chiếc bánh trung thu đẹp là màu sắc của vỏ bánh phải đồng đều, hình dáng bánh cân đối, hài hòa, đường nét hoa văn sắc sảo. Muốn được như thế, khâu chuẩn bị nguyên liệu để làm vỏ bánh là rất quan trọng.
1.1. Nguyên liệu làm vỏ bánh nướng
1.1.1. Bột mì làm vỏ bánh nướng
Đây là nguyên liệu chính để làm nên vỏ bánh nướng. Vì vậy, chất lượng của vỏ bánh sẽ phụ thuộc vào loại bột mì mà chị em chọn. Thông thường, người ta sử dụng bột bánh ngọt và bột mì đa dụng cho phần vỏ bánh. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng bột mì đa dụng không thì vỏ bánh sẽ bị khô, cứng. Phải chờ 3-4 ngày sau để vỏ bánh mềm lại. Ngược lại, nếu bột vỏ mà chỉ có bột bánh ngọt không thì vỏ bánh bị mềm, nhanh xuống dầu và không bảo quản được lâu. Vì thế, kết hợp giữa hai loại bột này chính là cách làm tốt nhất. Sử dụng 1/2 bột mì đa dụng và 1/2 bột bánh ngọt sẽ cho ra vỏ bánh ngon, mềm mà không cần dùng đến bột Baking Soda.
1.1.2. Nước tro tàu
Nước tro tàu là nguyên liệu được thêm vào ở công đoạn nấu nước đường bánh. Tác dụng là để làm mềm nước đường, làm mềm bánh. Có hai loại nước tro tàu là nước tro tàu tự nhiên (làm từ tro nấu từ rơm) và nước tro tàu công nghiệp. Nước tro tàu công nghiệp nếu sử dụng với lượng lớn sẽ rất gây hại cho sức khỏe. NHưng có nhiều người đã chứng minh rằng không cần dùng nước tro tàu thì bánh vẫn mềm và ngon như bình thường. Chính vì vậy, để an toàn cho sức khỏe, chị em nên hạn chế sử dụng loại nguyên liệu này.
1.1.3. Bột Baking soda
Như đã nói ở trên, Baking soda được thêm vào bột làm vỏ bánh để bánh mềm hơn. Tuy nhiên, nếu không tiện, chị em có thể bỏ qua nguyên liệu này.
1.1.4. Nước đường làm bánh
Nước đường bánh nướng cũng quyết định đến màu sắc và độ ngon của phần vỏ. Chính vì thế, chị em không được hời hợt trong công đoạn này. Nước đường nên được chuẩn bị ít nhất là 14 ngày trước khi làm bánh trung thu. Những người làm bánh trung thu chuyên nghiệp thường sẽ chuẩn bị nước đường từ mùa trung thu năm trước. Biết cách nấu nước đường bánh trung thu ngon là chị em đã thành công đến 70% trong việc làm bánh rồi.
1.2. Nguyên liệu làm vỏ bánh dẻo
1.2.1.Bột làm bánh trung thu dẻo
Khác với bánh nướng, cần phải nướng lên thì bánh mới chín được. Khi làm bánh dẻo, bạn sử dụng bột bánh dẻo, hay còn gọi là bột nếp rang chín để làm vỏ bánh. Vì thế, bạn không cần nướng bánh mà vẫn có thể thưởng thức bánh ngay sau khi tạo hình. Ngoài ra, bạn cũng có một lựa chọn khác là tự rang bột nếp ở nhà. Với cách làm này, bạn có thể dễ dàng kiểm soát nguyên liệu đầu vào mà không lo trong bánh có các chất độc hại.
1.2.2. Nước đường bánh dẻo
Khi làm bánh dẻo, bạn cũng không cần phải quá cẩn thận, tỉ mỉ ở khâu nấu nước đường. Chỉ cần pha đường với nước đun sôi theo tỉ lệ phù hợp là đã hoàn thành xong phần nước đường để làm bánh.
1.2.3. Nước hoa bưởi
Để cho vị bánh dẻo thêm phần đặc biệt và tinh tế hơn, bạn đừng quên cho vào bột bánh vài giọt nước hoa bưởi nhé.
1.2.4. Bột màu tự nhiên
Nếu một mẻ bánh dẻo mà chỉ toàn là bánh màu trắng không thôi thì chẳng hấp dẫn tí nào. Vì thế, bạn có thể tạo màu cho bánh bằng những nguyên liệu tự nhiên như củ dền, dành dành, gấc, khoai lang tím, lá cẩm, lá nếp…
2. Nguyên liệu làm nhân bánh trung thu
Có rất nhiều loại nhân bánh trung thu. Trong đó, những loại nhân phổ biến là nhân đậu, khoai; nhân trứng muối; nhân thập cẩm và nhân hạt. Tùy khẩu vị của gia đình, bạn hãy chọn loại nhân phù hợp hoặc phối hợp cùng lúc nhiều loại nhân.
2.1. Nhân bánh trung thu phổ biến
Đậu xanh, khoai môn,… là những nguyên liệu làm bánh trung thu rất phổ biến. Chúng được sử dụng rất nhiều để làm phần nhân thêm đa dạng. Trong đó, đậu xanh và hạt sen là hai loại nhân thường thấy nhất. Ưu điểm của hai loại nhân này là dễ kết hợp với các nguyên liệu khác để tạo ra hương vị mới mẻ. Chẳng hạn, bạn có thể kết hợp đậu xanh với socola, lá dứa, hay sầu riêng để bánh có màu sắc bắt mắt, mùi vị độc đáo hơn.
2.2. Trứng muối
Trứng muối cũng là một nguyên liệu thường thấy trong phần nhân. Trứng muối mặn đậm đà, giúp vị bánh thêm thơm ngon, béo ngậy hơn. Bạn có thể tự mua trứng đã được làm sẵn ở ngoài. Nếu muốn, bạn cũng có thể tự muối trứng, nhưng phải thực hiện trước ngày làm bánh 30 ngày.
2.3. Các loại hạt
Các loại hạt cũng được thêm vào nhân của các loại bánh trung thu. Thông thường, người ta thường thêm vào nhân hạt dưa, vừng đen, vừng trắng đã rang chín, lột vỏ. Việc thêm ít hay nhiều là tùy vào sở thích của mỗi người.
2.4. Mạch nha
Mạch nha được thêm vào khi sên nhân bánh để giúp cho nhân được kết dính, giữ độ ẩm cho nhân.
2.5. Nguyên liệu nhân thập cẩm
Nhân thập cẩm là một loại nhân truyền thống, không bao giờ vắng mặt trên các mâm cỗ ngày trung thu. Nhân thập cẩm được làm từ rất nhiều nguyên liệu như mứt bí, mứt sen, hạt dưa, hạt bí, vừng trắng, lá chanh, lạp xưởng, mứt mỡ, jambon, thịt xá xíu, mỡ đường…
Phần nguyên liệu làm nước sốt để kết dính nhân cũng rất đa dạng, bao gồm nước đường, hắc xì dầu, dầu mè, rượu mai quế lộ, bột làm bánh nếp…Tùy vào sở thích, bạn có thể thêm hay bớt các nguyên liệu cho phù hợp.
Trong các công thức nấu ăn nói chung, việc chọn nguyên liệu là cực kỳ quan trọng. Điều này cũng không ngoại lệ khi làm bánh trung thu. Hy vọng bài viết về nguyên liệu làm bánh trung thu hôm nay đã “trang bị” cho bạn những kiến thức bổ ích để giúp bạn thành công ngay trong lần thử đầu tiên.
Ka Lang tổng hợp