Mang thai tuần thứ 30 của thai kỳ, chỉ còn khoảng 10 tuần nữa em bé của mẹ sẽ chào đời và mẹ đang rất nóng lòng và đếm từng ngày để được gặp bé. Đây cũng là giai đoạn cơ thể mẹ và bé có khá nhiều thay đổi so với tuần trước. Vì vậy, hãy đừng quá nôn nóng mà quên mất tìm hiểu một số thông tin hữu ích để chăm sóc tốt cho cả mẹ lẫn bé và có sự chuẩn bị tốt nhất cho hành trình vượt cạn sau này mẹ nhé!
1. Những thai đổi của cơ thể mẹ và thai nhi
– Sự phát triển của thai nhi: Ở tuần thai thứ 30, bé dài hơn 40,6cm, nặng khoảng 1,3 – 1,5 kg cỡ bằng trái bí lớn, bé sẽ tăng khoảng 250 gam/tuần từ đây cho đến tuần 35. Bé đã có thể quay đầu từ bên này sang bên kia. Bé có thể cũng ngọ nguậy nhiều, đạp, lộn nhào và một số hoạt động khác như: liếm, nuốt, cử động tay, nhăn mặt, nhíu mày.
Vào tuần này, lớp mỡ dưới da bé bắt đầu hình thành và phát triển thành các nếp, da của bé bớt trong và cũng trở nên giống với da trẻ sơ sinh hơn. Xương của bé cũng chứa nhiều canxi và trở nên chắc khỏe hơn.
– Cơ thể mẹ: Vào tuần này, do những hormone được tiết ra làm chậm quá trình tiêu hóa nên hầu hết các chị em vẫn phải đối mặt với chứng táo bón. Bụng to ra cộng thêm chứng đi tiểu nhiều lần bị gia tăng trong những tuần thai cuối do bàng quang bị chèn ép có thể làm cơ thể mẹ khó ngủ, mất ngủ, mệt mỏi và có cảm giác đau nhức. Đồng thời, vào lúc này, sự thay đổi của các hoormon trong thai kỳ cộng với trọng lượng của cơ thể dồn lên đôi chân khiến mẹ bị sưng phù và đau nhức nhiều hơn so với các thời kỳ trước.
Lúc này, thỉnh thoảng mẹ sẽ cảm thấy sự co bóp của tử cung trong giai đoạn sau của thai kỳ. Thường những cơn co thắt kéo dài khoảng 30 giây, không đều đặn và không gây đau. Tuy nhiên, nếu mẹ co thắt nhiều hơn 4 cơn/1 giờ hoặc có bất kỳ các dấu hiệu như: tiết nhiều dịch âm đạo hoặc thay đổi dạng dịch (dịch loãng, giống nhầy hay có màu hồng hoặc máu), đau bụng hoặc đau thắt như khi hành kinh, áp lực gia tăng vùng xương chậu… thì mẹ cần liên hệ ngay với bác sĩ vì rất có thể đó là dấu hiệu của sinh non.
2. Những điều cần nhớ khi mang thai tuần thứ 30
-Chú ý đến chế độ dinh dưỡng cung cấp thực phẩm giàu can-xi nhiều hơn 3-4 lần so với một người bình thường. Một số thực phẩm giàu canxi như: sữa, pho-mát, sữa chua, hạt hạnh nhân, các loại cá có thể ăn cả xương, rau lá xanh… Nếu cơ thể mẹ không hấp thụ sữa bò thì hãy chọn các loại sữa đậu nành có bổ sung can-xi.
– Để hạn chế chứng táo bón, mẹ nên tập trung vào ăn nhiều chất xơ, ngũ cốc và uống nhiều nước.
– Tránh các hoạt động đột ngột như: đứng lên, ngồi xuống…Những hành động này có thể làm các mẹ choáng váng và cảm thấy đau lưng nhiều hơn.
– Tập các bài tập nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, bơi, kegel… để chống lại cảm giác mệt mỏi, đau lưng và giúp mẹ có được một cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai và có tinh thần vui vẻ, lạc quan.
Bảo Trân