Vài năm gần đây những thông tin về đào tạo ngành nghề, về tuyển sinh các trường ĐH, CĐ, THCN ngày càng được phổ biến rộng rãi hơn. Thế nhưng, không ít HS vẫn chọn sai ngành nghề – đầu tư tiền bạc, công sức học hành mấy năm trời rồi mới nhận ra: mình không hợp với nghề này…
Ngoài năng lực còn tính cách
Nhạc sĩ trẻ Lương Bằng Quang – chàng trai 23 tuổi – mới vào nghề được ba năm nhưng đã cho ra đời gần 100 tác phẩm âm nhạc (trong đó có nhiều ca khúc ăn khách và được các ca sĩ nổi tiếng chọn hát). Nhưng ít ai biết rằng người nhạc sĩ đang được xem là “sáng tác mát tay” này cũng từng chọn nghề sai.
Bắt đầu học đàn từ hồi còn nhỏ xíu, sáng tác nhạc và hát hò từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường THPT, nhưng hết lớp 12 Quang lại chọn học công nghệ thông tin. Đơn giản vì: “Ba mẹ mình muốn con trai có một nghề ổn định. Tự mình cũng thấy trong tất cả các môn học thời phổ thông, mình học môn tin khá nhất”.
Tuy vậy, chỉ sau một năm Quang nghỉ ngang: “Mình cũng cố gắng chăm chỉ học tập nhưng điểm số vẫn kém bạn bè, không tiếp thu nhanh bằng họ. Lúc ấy mình mới phát hiện cá tính, tố chất của mình không thể gắn bó suốt đời với công nghệ thông tin”. Bây giờ Quang đã có thể khẳng định: “Nghề nào cũng có khó khăn, tuy nhiên mình tự thấy sáng tác là thích hợp nhất đối với mình, cũng may mình nhận ra sớm…”.
Trong khi đó, rất mê nghề kỹ sư viễn thông nhưng cả gia đình V.T.D. từ ông nội, bố mẹ đến cô chú đều theo ngành y. Ngay từ đầu năm lớp 12, bố mẹ D. đã định hướng: “Con nên đăng ký dự thi vào ĐH Y dược, sau này ra trường có gì bố sẽ xin việc cho, không sợ thất nghiệp”. Tìm đủ lý do, từ “con không thích” rồi “con không có đủ năng lực”…, bố mẹ D. vẫn cương quyết: “Bây giờ không thích thì khi vào học rồi đi làm sẽ thấy thích. Con được thừa hưởng gen bác sĩ của ông nội và bố mẹ, lo gì không đủ năng lực!”.
Vốn là HS giỏi, D. dễ dàng đậu vào ĐH Y dược. Nhưng chỉ học được ba năm, đến năm 4 thì: “Tôi không thể chịu đựng thêm nữa, mỗi lần vào bệnh viện là về nhà không muốn ăn cơm, người muốn ốm theo bệnh nhân!”. Thấy con lâm vào tình trạng mệt mỏi, lực học cứ sa sút dần từ khi vào ĐH, cuối cùng bố mẹ D. đành xuôi cho đứa con trai duy nhất làm lại từ đầu: ôn thi vào Bách khoa, ngành kỹ sư viễn thông.
Phải được hướng nghiệp
Phân tích về vấn đề chọn nghề sai, ông Nguyễn Đăng Lập – chuyên viên tư vấn hướng nghiệp của Trung tâm Tư vấn học đường TP.HCM – nhấn mạnh: “Đó là một hiện trạng của xã hội ngày nay. Theo thống kê gần đây, có đến 10% số SV không theo được đến cùng ngành học mình đã chọn. Có nhiều nguyên nhân khiến các em phải bỏ học, nghỉ học giữa chừng, trong đó có nguyên nhân chọn ngành không phù hợp”.
Và chuyên viên Nguyễn Đăng Lập đưa ra lời khuyên: trước khi đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ hay THCN các bạn trẻ nên tự lượng định sức học của mình. Chọn bậc học rồi mới tính đến năng lực và tính cách có phù hợp với ngành nghề mình thích hay không. Một người có năng lực tốt có thể thi đậu vào một số trường nhưng tính cách thì chỉ có thể phù hợp với vài nghề nhất định.
Nếu chọn nghề không hợp với tính cách sẽ dễ dàng dẫn đến thất bại. Hai yếu tố năng lực và tính cách đều chi phối sự thành công hay thất bại trong nghề nghiệp của mỗi con người. Ông Lập còn khẳng định: “Sở thích chỉ là yếu tố bên ngoài mang tính chất chủ quan, không thể phản ánh đầy đủ năng lực và tính cách bên trong. Sở thích chỉ tồn tại trong một thời gian, một môi trường nào đó, nó không ổn định và rất dễ thay đổi”.
Th.S Nguyễn Ngọc Tài – chuyên viên tư vấn hướng nghiệp Đài 1088 – cũng khuyên phụ huynh không nên áp đặt con cái mình phải theo đuổi một nghề nào đó: “Phụ huynh chỉ nên hỗ trợ con theo cách cùng con tìm hiểu xem chọn nghề như vậy đã đúng chưa: chọn nghề theo khả năng hay chỉ chọn theo cảm tính, theo bạn bè hay theo vẻ hào nhoáng bên ngoài. Nếu phụ huynh và HS không nhất trí với nhau trong việc chọn lựa, tốt nhất nên cho HS đến các trung tâm tư vấn để làm trắc nghiệm hướng nghiệp.
Với kết quả trắc nghiệm về khí chất, tâm lý, năng lực…, chuyên viên tư vấn sẽ tham khảo thêm các yếu tố về hoàn cảnh gia đình, kết quả học tập, thể lực… để hướng dẫn HS chọn một ngành học phù hợp nhất”.
Tuy vậy, ông Nguyễn Đăng Lập (một trong những thành viên nghiên cứu về bộ trắc nghiệm hướng nghiệp hiện đang được sử dụng tại TP.HCM) lại cho rằng: “Biện pháp căn cơ để HS chọn đúng ngành nghề là công tác hướng nghiệp: phải thực hiện một cách bài bản, khoa học ngay từ khi HS còn học ở bậc THCS. Điều này không biết đến bao giờ VN ta mới làm được”.
Theo Tuoi tre online